Wednesday, November 18, 2015


I. ĐIỀU GÌ DIỄN RA TRONG NÃO TRẺ?

Tập trung – Một khái niệm mà có lẽ bất cứ ai cũng đã nghe mòn tai từ thời học cấp I, không ngờ lại khó định nghĩa nó đến thế.

Khi một giáo viên gõ thước cạch cạch xuống mặt bàn và hét lên rằng “Các em tập trung vào đây!”, học sinh sẽ tự động hiểu rằng là họ sẽ phải nhìn vào những gì cô giáo sắp viết lên bảng và lắng nghe những gì cô giáo đang nói. Đó là một mệnh lệnh.

Thông thường cứ mỗi khi cô giáo đưa ra mệnh lệnh ấy, học sinh đều nghe được và làm theo, trong khi trước đó dù cô có nói gì thì cũng luôn có một số lượng học sinh không nghe được gì mà đang mải mê chú ý tới một hình ảnh/ âm thanh nào đó, hay theo đuổi một suy nghĩ không liên quan nào đó. Tại sao lại như vậy?

À, là bởi vì khi cô giáo thực hiện mệnh lệnh ấy, cô đã gõ thước xuống mặt bàn. Ấy tưởng là một hành động có tính dọa nạt nhưng không phải, việc gõ thước xuống mặt bàn để tạo ra những âm thanh to và trầm đục – những âm thanh khác hẳn với tiếng giảng đều đều đến buồn ngủ của cô giáo. Và vì sự khác biệt ở âm sắc và cường độ ấy, những âm thanh đó lọt được vào vùng xử lý của bộ nhớ đệm, chúng truyền các tín hiệu vào trung khu xử lý và kích thích cơ chế phản xạ không điều kiện, khiến học sinh chú ý vào cái nơi mà làm nảy sinh ra những “tín hiệu lạ” ấy.


Các em tập trung

Sau đó, cô giáo nói “Tập trung”, các học sinh sẽ nghe và hiểu rõ mệnh lệnh đó, và họ tự ý thức sẽ lắng nghe cũng như nhìn vào những gì cô giáo sẽ làm tiếp theo. Vì họ biết rằng, khi cô giáo đã nhắc “Tập trung” là cô sẽ “tập trung” tìm xem có ai không chịu “tập trung” không, nếu họ tiếp tục không “tập trung” thì họ sẽ gặp phải một rủi ro nào đó…

Trước đây, chúng ta tin rằng trẻ con có bản năng tò mò, và việc các học sinh chú ý về phía tiếng động lạ kia cũng được giải thích theo cách đó. Niềm tin đó cũng dẫn đến những chỉ trích dành cho những “người trưởng thành” sau này – những người đánh mất tính tò mò bản năng của trẻ con, hoặc dẫn đến sự ỷ nại ở một số “người trưởng thành” khác khi họ nghĩ rằng cứ đến tuổi này thì họ không tò mò nữa cũng là điều bình thường.

Đã đến lúc để chúng ta nhìn vào sâu hơn cơ chế của sự tò mò, của sự tập trung, để tìm cho ra những cách lý giải hợp lý hơn, những nhận thức đúng đắn hơn, và những phương pháp luyện tập trí não hiệu quả hơn.

II. SỰ TÒ MÒ

Trước hết, cần phải hiểu một chút về cơ chế hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Có 3 đường truyền thần kinh chính trong hệ này, đó là đường truyền hướng tâm (từ các giác quan trên cơ thể về bộ não để truyền các tín hiệu từ môi trường), đường truyền ly tâm (Từ bộ não ra các cơ bắp để điều khiển sự vận động), và các đường truyền nội tâm (Giữa các norron thần kinh trong bộ não).

Các tín hiệu thần kinh được truyền dẫn theo hai cách: Cách thứ nhất là truyền dẫn hóa chất từ norron này sang norron kia thông qua các xynap, cách thứ hai là truyền dẫn bằng cộng hưởng điện – từ trường thông qua các sợi trục được bọc myelin. Cách truyền dẫn thứ hai chính xác, ổn định và có tốc độ cao hơn gấp nhiều chục lần so với cách thứ nhất, và đặc biệt là không cần dùng đến các hóa chất truyền dẫn – không có tình trạng bị ngắt do cạn hóa chất hoặc cạn dinh dưỡng.


Truyền dẫn thần kinh bằng xynap

Tuy nhiên, chỉ những đường truyền dẫn quan trọng đối với cơ thể, được sử dụng thường xuyên… thì mới được bọc myelin, chẳng hạn như đường truyền từ xúc giác về cơ thể thông qua hệ thần kinh ngoại biên và qua tủy sống (Tủy sống là một bó các đường truyền dẫn thần kinh được bọc bằng myelin, giống hệt như các dây diện được bọc nhựa thành một sợi cáp điện), chẳng hạn như đường truyền từ các giác quan quan trọng như mắt (Bó dây thần kinh từ mắt vào não có đường kính tới nửa cm).

Tham gia vào quá trình bọc myelin cho các kết nối này chính là các tế bào thần kinh đệm – loại tế bào có số lượng lớn gấp 10 lần số lượng các norron. Hoạt động của loại tế bào này như thế nào và làm thế nào mà chúng có thể nhận ra những kết nối quan trọng để bảo vệ và gia cố thì cần đến những kiến thức phức tạp hơn về sinh hóa, tôi sẽ trình bày trong một dịp khác.


Hoạt động của các tế bào thần kinh đệm (Màu xanh)

Và, quá trình trưởng thành của hệ thần kinh ở con người – song song với quá trình trưởng thành của con người đó – chính là quá trình hình thành các kết nối thần kinh và bền vững hóa các đường truyền thần kinh (Hình thành các xynap và các sợi myelin). Quá trình này khiến bộ não nở ra từ bên trong, và do đó não của chúng ta có nếp nhăn. Các rãnh giữa nếp càng sâu chứng tỏ não bị nở ra càng nhiều, chứng tỏ càng có nhiều liên kết được tạo thành và nhiều liên kết được bền vững hóa bằng myelin, đó là dấu hiệu của một bộ não ưu việt. Nhân đây, cũng xin nói rằng con người thông minh phần nhiều thể hiện ở “chất trắng” – myelin, chứ không phải “chất xám” – norron như chúng ta vẫn thường nghĩ.

Bây giờ, hãy quay lại với vấn đề của những đứa trẻ. Đặc trưng hệ thần kinh của một đứa trẻ là chưa có nhiều liên kết và chưa có nhiều liên kết được bọc myelin. Ngoài ra phải kể đến nữa là một hệ tuần hoàn chưa đủ mạnh và mạng lưới tế bào thần kinh đệm chưa “thông minh” – chưa đủ nhanh trong việc lựa chọn ra các liên kết quan trọng để bảo vệ và gia cố, những đặc điểm này góp phần làm cho các khớp nối thần kinh nhanh chóng bị cạn kiệt hóa chất truyền dẫn và chất dinh dưỡng, khiến cho việc truyền dẫn tín hiệu qua các đường truyền đó không thể kéo dài.

Tại sao một đứa trẻ tò mò? Chúng tò mò một phần vì bộ não chúng chưa có nhiều thông tin lưu trữ và chưa có nhiều các kết nối thần kinh, nên khả năng tự phát sinh các suy nghĩ, các ý niệm hay ý tưởng trong đầu là rất thấp. Trong khi đó, các tế bào ghi nhớ mới còn rất nhiều, chúng thu hút những luồng tín hiệu truyền vào từ bên ngoài bộ não – từ các giác quan. Bởi thế, sự tò mò của chúng hướng ra bên ngoài (Chúng hỏi: “Bố ơi cái này là cái gì, sao con kia lại bay được, sao quả bóng lại nổi lên trên mặt nước…), và vì thế, chúng ta nhận thấy được sự tò mò của chúng và cho rằng trẻ con thì tò mò.

Do các đường truyền tín hiệu từ giác quan vào não còn chưa ổn định và chưa mạnh (Phần nhiều vẫn còn là các đường truyền bằng hóa chất), nên các khớp nối thần kinh nhanh chóng bị cạn kiệt hóa chất và dinh dưỡng, khiến chúng không thể tiếp tục truyền dẫn được nữa. Bởi vậy, đứa trẻ có xu hướng thay đổi sự tò mò của chúng rất nhanh, từ các tín hiệu giác quan này sang đến tín hiệu giác quan khác (Nhìn một hồi rồi chán, chuyển sang sờ nắn, nhai nuốt, …).

Vậy người trưởng thành có tò mò không? Câu trả lời rằng có hoặc không. Sẽ vẫn có những người trưởng thành tiếp tục tò mò, nhưng những tò mò của họ tập trung quanh việc xử lý những ý tưởng, ý niệm ngẫu nhiên phát sinh trong đầu họ. Và thông thường, họ sẽ tìm kiếm những thông tin sẵn có trong đầu hoặc biết cách tìm kiếm các thông tin từ bên ngoài mà không thông qua sự hỏi han nữa, nên chúng ta không thấy được sự tò mò của họ.

Cũng có một nhóm khác trong quá trình trưởng thành, họ không tích lũy được những dữ liệu đủ lớn và phong phú, không hình thành được các kết nối thần kinh bền vững bên trong não, và một phần là hệ tuần hoàn não bộ không đủ mạnh để hỗ trợ các kích thích thần kinh… khiến những ý tưởng tự phát sinh trong não họ không nhiều, hoặc chúng nhanh chóng bị tắt đi khi gặp những ngõ cụt hoặc những khớp nối bị khô cạn do thiếu dinh dưỡng và hóa chất.
III. SỰ TẬP TRUNG
Tò mò, có thể được hiểu như là một trạng thái dễ bị thu hút, bị chú ý tới một điều gì đó không bình thường/ chưa biết tới. Còn tập trung, có thể hiểu như là một trạng thái chỉ quan tâm và chú ý tới một điều gì đó và không bị thu hút hay chú ý tới những điều khác nữa đang xảy ra.
(Trên đây là định nghĩa phù hợp với trẻ con, người lớn sẽ có định nghĩa về sự tò mò và tập trung khác do chức năng nhận thức thay đổi).

Tò mò và tập trung vốn là 2 trạng thái/ năng lực mà chúng ta đều hi vọng ở con trẻ. Nhưng ở một góc độ nào đó thì chúng là những trạng thái/ năng lực trái ngược nhau, tức là một đứa trẻ thì không thể vừa tò mò và vừa tập trung đồng thời được. Và cũng hiếm khi ta thấy một đứa trẻ vừa tò mò hơn, lại vừa thể hiện năng lực tập trung hơn so với bạn bè của nó.

Tuy nhiên, qua những giải thích về cơ chế vận hành của não bộ như ở phần trên, ta có thể thấy rằng có thể nâng cao năng lực tò mò + tập trung thông qua việc nâng cao đồng đều các năng lực thể chất của bộ não. Và, thêm một chú ý nữa, là trong môi trường giáo dục có định hướng (có người dạy và người học theo) thì vai trò của sự tập trung trở nên quan trọng, trong khi, trong môi trường giáo dục tự do (người học và người hỗ trợ) thì sự tò mò lại trở nên quan trọng.

Làm thế nào để một đứa trẻ có khả năng tập trung?

Khả năng tập trung có thể phân tích ra thành các tính năng sau:

1. Sự nhạy cảm đối với các tín hiệu/ ý tưởng cần được tiếp nhận.

2. Khả năng làm mờ các tín hiệu hoặc ý tưởng khác.

3. Khả năng tiếp nhận lâu dài một luồng tín hiệu/ ý tưởng cụ thể.

1. Sự nhạy cảm đối với các tín hiệu/ ý tưởng nhận được.
Có thể phân chia làm 3 trường hợp: giác quan của trẻ đặc biệt nhạy bén; tín hiệu hoặc ý tưởng đó mới mẻ và ấn tượng; tín hiệu hoặc ý tưởng đó phù hợp với nền tảng nhận thức sẵn có của trẻ.

Giác quan của trẻ có sự nhạy bén đặc biệt với một dạng tín hiệu nào đó, thì mặc nhiên các xung thần kinh sẽ có cường độ cao và do đó sẽ được ưu tiên xử lý trong bộ não. Do đó, việc luyện tập sử dụng các giác quan sẽ kích thích các giác quan đó phát triển, tăng cường độ nhạy bén của nó. Nếu giác quan không được rèn luyện, chúng sẽ thui chột dần và các tín hiệu nhận được sẽ rời rạc, méo mó, kém chính xác và thú vị.

Các tín hiệu hoặc ý tưởng đó mới mẻ, ấn tượng. Nếu như một tín hiệu nhất định nào đó thường xuyên và liên tục tác động đến trẻ, đường truyền liên kết thần kinh đó sẽ phải hoạt động liên tục và nhanh chóng dẫn đến sự cạn kiệt hóa chất và dinh dưỡng. Trẻ sẽ không thể tiếp thu các tín hiệu ấy được nữa. Đây là trường hợp xảy ra khi các giáo viên giảng bài bằng một giọng nói đều đều, với những nội dung đều đều và không có gì mới mẻ, khác biệt. Bởi thế, việc thiết kế bài giảng có sự bổ sung phong phú các loại tín hiệu giác quan, có sự truyền đạt cảm xúc từ phía người giáo viên qua những nội dung giảng dạy sẽ khiến việc tiếp thu của trẻ hiệu quả lên nhiều.


Trẻ em cần những trải nghiệm giác quan phong phú và ấn tượng

Phương án này đặt ra trách nhiệm đối với những người nuôi dưỡng và dạy dỗ trẻ. Trong giai đoạn tuổi thơ, các phụ huynh nên cố gắng tạo điều kiện để con mình được trải nghiệm những tín hiệu giác quan có ấn tượng mạnh mẽ (Những cảnh sắc rực rỡ, hùng vĩ; những âm thanh du dương trầm bổng; những mùi vị tinh tế…). Các trải nghiệm mạnh mẽ này không những sẽ đóng vai trò là nguyên liệu cho các thao tác tư duy, là nền tảng cho các hoạt động cảm xúc về sau của trẻ, mà trong quá trình trẻ được trải nghiệm, khả năng tập trung của trẻ cũng đã được rèn luyện đáng kể, giúp hình thành những đường truyền dẫn thần kinh ổn định, chắc chắn.

Các ý tưởng/ tín hiệu phù hợp với nền tảng nhận thức của trẻ. Có thể hiểu nôm na rằng, khi kể một câu truyện cổ tích mà 80% các từ trong đó trẻ đã biết thì chúng sẽ thấy hứng thú hơn, sẽ chú ý lắng nghe hơn là nghe một câu truyện mà chúng chỉ biết có 30% từ trong đó. Thế nên, việc dạy dỗ trẻ cần phải thực hiện dần dần, từng chút từng chút một với thái độ kiên nhẫn. Việc giảng dạy một chủ đề toàn toàn mới đối với trẻ em là rất khó khăn và không được khuyến khích.
2. Khả năng ngăn chặn các luồng tín hiệu hay ý tưởng khác.
Đây là vấn đề thường gặp nhất khi trẻ tham gia các giờ học ở nhà trường, chúng dễ bị phân tán bởi những âm thanh, hình ảnh, hay tác động của bạn bè, của môi trường xung quanh. Việc ngăn chặn này là khả năng thuộc về sự tự ý thức, một khả năng của tư duy cấp cao. Ở trẻ em chưa thể hình thành được năng lực này nên chỉ có thể giúp trẻ hình thành những phản xạ có điều kiện, nói cách khác là thói quen.Trẻ thực hành nhiều sẽ có thói quen này, và sẽ miễn nhiễm trước những ảnh hưởng mà chúng không mong muốn.

3. Khả năng tiếp nhận lâu dài một luồng tín hiệu hay ý tưởng.
Đây là khả năng thuộc về năng lực thể chất của bộ não. Để một đường truyền dẫn thần kinh có thể làm việc liên tục trong thời gian dài, thì hệ thống mao mạch trong não phải đủ mạnh để có thể cung cấp liên tục các hóa chất và dinh dưỡng cũng như đào thải các độc tố trong quá trình hoạt động của norron. Với những hệ tuần hoàn yếu, hoặc khi cơ thể đang bị đói mà không có năng lượng tích trữ hoặc năng lượng tích trữ không chuyển hóa kịp, khả năng tập trung sẽ bị giảm sút ngay lập tức. Đây là cơ sở để đưa ra những quy định về hạn chế thời gian học tập liên tục ở trẻ, chẳng hạn đối với trẻ mầm non thời gian học tập không được quá 25p, học sinh cấp 1 không được học liên tục quá 45 phút… Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này thông qua những biểu hiện của người huyết áp thấp, tụt đường huyết hay tai biến mạch máu não.


Hệ thống mao mạch não dày đặc nhất cơ thể

Để luyện tập và tăng cường chức năng của hệ thống mao mạch trong não, cần phải tăng cường sức khỏe của cả hệ thống tuần hoàn nói chung (Trẻ vận động, chơi thể thao nhiều sẽ tăng cường sức khỏe của hệ thống tuần hoàn), suy nghĩ nhiều (nhu cầu cung cấp chất dinh dưỡng và hóa chất lên não nhiều sẽ thúc đẩy các động mạch nở rộng ra và các mao mạch được hình thành nhiều hơn), và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho các hoạt động trí não (Các ion Ca++, Na+, K+, glucozo …).


Nguồn: interhouseresearch.wordpress.com

1 comment: